Tăng nhãn áp Glocom hay thiên đầu thống là một loại bệnh lý về mắt khá phổ biến. Đây được xem là bệnh nguy hiểm vì nguy cơ gây mù lòa vĩnh viễn rất cao. Vậy tăng nhãn áp là bệnh gì và mức độ nguy hiểm ra sao? Bạn hãy cùng Top Optic tìm hiểu về bệnh lý đặc biệt này nhé.
1.Định nghĩa và phân loại bệnh tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp là thuật ngữ chỉ một nhóm bệnh lý về đầu dây thần kinh thị giác. Bệnh xảy ra khi áp lực của thủy dịch cao hơn bình thường tạo ra áp lực nặng lên mắt. Đây tuy không phải là bệnh hiểm nghèo nhưng nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.
Tăng nhãn áp mắt có nguy cơ gây mù lòa rất cao khi không điều trị kịp thời
Về phân loại, tăng nhãn áp được chia thành các loại sau đây:
- Tăng nhãn áp bẩm sinh: do sự phát triển bất thường về cấu trúc mắt khi còn là thai nhi.
- Tăng nhãn áp sắc tố: phổ biến ở trẻ em và người cận thị, cơ chế bệnh là do các tế bào mống mắt bị vỡ làm các hạt sắc tố bị tích tụ trong thủy dịch và tắc nghẽn.
- Tăng nhãn áp thứ phát: bệnh hình thành sau khi người bệnh mắc một số bệnh lý khác như: tiểu đường, viêm màng bồ đào, phẫu thuật mắt,…
- Tăng nhãn áp góc đóng: là dạng bệnh cấp tính, ít gặp nhưng khá nguy hiểm. Bệnh tiến triển do góc thoát thủy dịch bị tắt nghẽn, nhãn áp tăng nhanh và gây mất thị lực hoàn toàn khi không kịp thời điều trị.
- Tăng nhãn áp góc mở: xảy ra khá phổ biến, thời gian đầu ít có biểu hiện đặc biệt. Bệnh xảy ra khi kênh thoát thủy dịch bị tắt một phần, thủy dịch thoát chậm.
2. Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh:
2.1 Nguyên nhân gây bệnh:
Cơ chế gây tăng nhãn áp là do kênh thoát thủy dịch bị nghẽn hoặc mắt sản xuất quá nhiều thủy dịch gây dư thừa. Một số yếu tố kết hợp bên ngoài càng thúc đẩy quá trình diễn tiến bệnh nhanh chóng. Những yếu tố đó bao gồm:
- Tuổi: Người từ 60 tuổi trở lên nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Di truyền: gia đình có người bị tăng nhãn áp thì tỷ lệ mắc bệnh cũng tăng hơn.
- Chủng tộc: Người Châu Á và châu Phi có tỷ lệ mắc bệnh cao.
- Mắc các bệnh mạn tính như: tiểu đường, huyết áp cao, tim mạch,..
- Mắt có giác mạc trung tâm mỏng hoặc mắt cận thị, viễn thị
- Sử dụng thuốc corticoid thời gian dài.
2.2 Dấu hiệu bệnh:
Tùy thuộc vào thể trạng người bệnh, loại bệnh mà tăng nhãn áp sẽ có những biểu hiện khác nhau:
- Tăng nhãn áp bẩm sinh: Trẻ sơ sinh khi chào đời bị tăng nhãn áp sẽ xuất hiện lớp màng mờ ở mắt; mắt đỏ và nhạy cảm với ánh sáng mặt trời hơn mắt trẻ khỏe mạnh.
- Tăng nhãn áp góc mở: Thường không có biểu hiện rõ ràng, đa phần chỉ được phát hiện khi thị lực giảm mạnh và bệnh đã ở giai đoạn cuối. Trong vài trường hợp người bệnh có những dấu hiệu thoáng qua như: nặng mắt, nhìn mờ, nhìn thấy quầng xanh đỏ xung quanh vật phát sáng,… Tuy nhiên những biểu hiện này thường khá ngắn và biến mất rất nhanh.
- Tăng nhãn áp góc đóng: xuất hiện các triệu chứng điển hình như đau nhức mắt đột ngột và dữ dội; nhãn cầu căng cứng; mắt đỏ, mi sưng, chảy nước mắt, sợ ánh sáng; cơn đau lan đến đỉnh đầu; thị lực giảm nhanh hoặc mất hẳn. Một số biểu hiện cơ thể đi kèm gồm đau bụng, buồn nôn, nôn, vã mồ hôi,… Các biểu hiện này có thể tăng tần suất và mức độ từ nhẹ đến nặng, thỉnh thoảng hoặc liên tục.
Các triệu chứng điển hình của tăng nhãn áp góc đóng
3. Phương pháp chẩn đoán và điều trị:
Bệnh tăng nhãn áp được phát hiện thông qua các phương pháp kiểm tra: đo nhãn áp, đo độ dày giác mạc, kiểm tra góc thoát thủy dịch, soi đáy mắt, kiểm tra thị giác. Sau khi kiểm tra, tùy vào tình trạng và thể bệnh sẽ có giải pháp điều trị khác nhau.
Việc điều trị tăng nhãn áp hiện nay có 2 phương án chính:
- Dùng thuốc: sử dụng các loại thuốc chuyên dùng để nhỏ mắt hoặc kết hợp uống. Tuy nhiên phương pháp này không được khuyến khích sử dụng về lâu dài vì có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Đặc biệt người dùng thuốc phải theo sự chỉ định của bác sĩ nhãn khoa.
- Phẫu thuật: Nếu dùng thuốc không hiệu quả hoặc bệnh nhân bị tăng nhãn áp góc đóng cấp tính sẽ được chỉ định phẫu thuật. Những phương án phẫu thuật sử dụng chủ yếu gồm: dùng tia laser để mở kênh thoát thủy dịch; cắt bè củng giác mạc để tạo kênh thoát thủy dịch nhân tạo; quang đông thể mi ức chế quá trình tiết thủy dịch.
Tăng nhãn áp có thể điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật tùy tình trạng bệnh
4. Cách phòng ngừa
Bệnh tăng nhãn áp thường không có biểu hiện rõ ràng. Cách phòng ngừa hoặc phát hiện bệnh sớm nhất chính là khám mắt định kỳ tại các bệnh viện chuyên khoa mắt. Ngoài ra, bạn cần quan tâm đến lịch sử bệnh của những người thân trong gia đình. Vì đây là bệnh có yếu tố di truyền.
Kiểm tra mắt định kỳ là cách phòng ngừa và phát hiện tăng nhãn áp sớm nhất
Một chế độ dinh dưỡng phù hợp cùng lịch sinh hoạt lành mạnh rất quan trọng để phòng ngừa các bệnh về mắt. Bên cạnh đó mắt cần được bảo vệ khỏi tia UV, khỏi nguồn ánh sáng xanh có hại từ thiết bị điện tử. Phân bổ thời gian hoạt động, nghỉ ngơi hợp lý, giảm tình trạng căng thẳng cho mắt. Tăng cường các bài tập thư giãn mắt.
Không phải ngẫu nhiên đôi mắt được ví như cửa sổ tâm hồn. Đôi mắt giúp chúng ta kết nối với thế giới tươi đẹp. Bạn nhìn cuộc sống sáng rõ hay mờ ảo phụ thuộc phần lớn vào đôi mắt. Vì thế hãy luôn quan tâm và chăm sóc mắt thật tốt bạn nhé.