Các phương pháp vệ sinh thị giác (Phần 2)

4. Điều kiện chiếu sáng : Ánh sáng chúng ta dùng làm việc gần phải có cường độ lớn gấp 3 lần cường độ ánh sáng trong phòng. Không nên chỉ dùng một ngọn đèn để đọc sách trong phòng tối. Cần có ánh sáng phòng và ánh sáng nơi làm việc. Cần tránh sự phản xạ bề mặt (đó là các phản xạ từ mặt giấy hoặc màn hình máy tính) khi chúng ta làm việc gần. Chúng ta nên sử dụng kết hợp đèn bóng tròn và đèn tube. Việc chiếu sáng được xem là tốt nhất cho việc đọc sách là chiếu sáng từ sau tới và từ trên xuống. Chúng ta cũng có thể kết hợp ánh sáng nhân tạo và ánh sáng mặt trời. Cả phòng nên được chiếu sáng đầy đủ. 5. Nghỉ ngơi thị giác từng lúc : Đây là một động tác tương đối đơn giản nhưng khá hữu hiệu để làm giảm căng thẳng do nhìn gần quá lâu. Theo cách 20–20 tức là cứ mỗi 20 phút làm việc gần chúng ta nhìn xa một khoảng cách 20 feet (tức 6m). Nếu máy tính đang xử lý thông tin hoặc download, chúng ta không nhìn chăm chăm vào màn hình mà nhìn ra xung quanh. Nếu hình ảnh xung quanh bị mờ, chúng ta phải cho mắt nghỉ lâu hơn … Không làm bất cứ việc gì phải huy động thị giác gần quá 45 phút. Việc nghỉ định kì giữa mỗi 45 phút giúp đầu óc chúng ta thư thái hơn, làm giảm sự căng thẳng sau đó chúng ta sẽ làm việc hiệu quả hơn. Mặc dù chúng ta chỉ đứng dậy để đi vòng quanh nhưng việc đó cũng giúp cho thị giác chúng ta được nghỉ ngơi. Khi đọc sách, chúng ta nên làm dấu cách đó 3–4 trang, đọc đến chỗ làm dấu chúng ta lại đi 1 vòng khoảng 1 phút. 6. Độ nghiêng của sách : Khi chúng ta đặt sách lên mặt bàn thì khoảng cách từ mắt chúng ta đến đầu trang sách sẽ lớn hơn khoảng cách từ mắt đến cuối trang, điều này dẫn tới việc mắt chúng ta sẽ bị áp lực nhiều hơn khi đọc đến cuối trang. Do đó, chúng ta nên để nghiêng sách lên một góc khoảng 20 độ (khoảng 10 cm).

Nguồn: Bài giảng lớp khúc xạ – BV Mắt TP.HCM