Các phương pháp vệ sinh thị giác (Phần 3)

7. Xem truyền hình : Chúng ta nên xem TV ở khoảng cách bằng 7 lần chiều rộng của màn hình TV (khoảng 2.5–3 mét). Chúng ta nên ngồi thẳng khi xem và nên có chiếu sáng trong phòng nhưng tránh ánh đèn phản xạ trực tiếp lên màn hình . Chúng ta cũng nên biết rằng việc xem TV ít giúp trẻ phát triển các kĩ năng về thị giác, do đó đối với trẻ em nên giới hạn việc xem TV xuống khoảng 1 đến vài giờ một ngày. Nếu chúng ta có tật khúc xạ, nên đeo kính khi xem TV nhằm giúp nhìn rõ và thoải mái về thị giác. Khi xem TV cũng không nên chỉ tập trung vào màn hình mà nên vận dụng thị giác để nhận biết các sự vật xung quanh ngoài TV. 8. Tham gia các hoạt động ngoài trời : Nên chơi thể thao và tham gia các hoạt động ngoài trời vì các hoạt động này thường đòi hỏi thị giác xa hơn là thị giác gần. Đối với học sinh, sinh viên cũng như trí thức, việc chơi thể thao cũng làm giảm đáng kể các stress về tâm lý đúng theo châm ngôn “một trí thông minh trong một cơ thể khỏe mạnh”. Khi chúng ta đi dạo ngoài trời, chúng ta nên giữ đầu ở tư thế thẳng, mắt mở to và nhìn thẳng về phía trước, nhìn lướt qua sự vật xung quanh chứ không nhìn chăm chú. 9. Khi tham gia giao thông : Khi đi máy bay, xe hơi, xe lửa không nên đọc sách vì chuyển động lắc lư gập ghềnh làm ta phải thay đổi điều tiết liên tục dẫn đến mệt mỏi về thị giác. Ta nên nhìn cảnh vật xung quanh để thư giãn thị giác. 10. Kính trợ giúp thị giác gần : Việc đeo kính trợ giúp cho thị giác gần (như : đọc sách, học bài, may vá, vẽ tranh hay làm việc máy tính) là cần thiết, đặc biệt đối với người có mắc các tật khúc xạ hoặc có bất đồng khúc xạ. Kính trợ giúp cho thị giác gần được đeo ngay cả khi thị lực là 10/10 và người đó vẫn chưa bị lão thị. Việc đeo kính này giúp làm việc gần thoải mái hơn, kéo dài hơn vì nó làm giảm các nỗ lực về mặt thị giác. 11. Chú ý dinh dưỡng : Cần ăn những thực phẩm giàu vitamin A và C như : gan, trứng, cá, cà rốt, giá đỗ, đậu, táo hồng, thịt, sữa …

Nguồn: Bài giảng lớp khúc xạ – BV Mắt TP.HCM