TIA UV VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA TIA UV ĐỐI VỚI SỨC KHỎE ĐÔI MẮT

Chúng ta vẫn thường hay nghe rằng tia UV rất có hại đối với sức khỏe của con người, đặc biệt là có nguy cơ cao gây ung thư da. Tuy nhiên, ít người biết rằng, tia UV cũng là một yếu tố nguy cơ đáng lo ngại và là nguyên nhân gián tiếp tạo nên những tác động tiêu cực đến sức khỏe “cửa sổ tâm hồn” của con người. Hãy cùng Salenoptic tìm hiểu rõ hơn về tia UV và để Salenoptic cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích nhằm giải đáp khúc mắc về vấn đề “nóng hổi” này nhé!

I. Tia UV là gì? Có bao nhiêu loại UV?

Tia UV hay còn được biết đến là Ultra Violet rays, nghĩa là tia cực tím, một cách gọi khác là tia tử ngoại. Giải đáp cho tên gọi này chúng ta có thể hiểu đơn giản “cực tím” nghĩa là “bên trên” hay “hơn cả” màu tím, tức là vượt qua ngoài bước sóng màu tím mà mắt người không thể nhìn thấy được.

Tia UV bắt nguồn từ mặt trời và được chia làm 3 loại chính:  UVA, UVB và UVC. Các nhà khoa học phân loại tia UV dựa vào bước sóng của chúng như sau:

  • UVA có bước sóng 400 – 315 nm
  • UVB có bước sóng 315 – 280 nm
  • UVC có bước sóng 280 – 100 nm

Vì tính chất đặc thù của từng bước sóng mà gần như UVB và UVC không thể xuyên qua được tầng khí quyển của Trái Đất mà gây hại cho con người.

Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của nền công nghiệp hiện đại đã kéo theo những tác hại xấu đối với môi trường và làm suy yếu đi tầng Ozone. Do đó, hiện nay cả 3 loại UV đều có nguy cơ xâm nhập qua “hàng rào xanh” của địa cầu và tạo nên mối nguy đối với các sinh vật sống, bao gồm cả con người nơi đây.

*Lưu ý: mây trời không thể che lấp được UV, các tia nắng có thể bị ngăn chặn phần nào bởi các áng mây nhưng các tia UV hoàn toàn có xuyên thủng qua chúng!

II. Sự ảnh hưởng của tia UV đối với mắt người

Tiếp xúc quá nhiều với tia UV sẽ gây hại cho sức khỏe đôi mắt chúng ta và cụ thể hơn là một vài bệnh mắt phổ biến sau:

1.Viêm giác mạc ánh sáng (tên gọi tiếng Anh là photokeratitis): đây là bệnh lí nhãn khoa bán phần trước mà tại đó giác mạc bị tổn thương do tiếp xúc quá lâu với tia UV như phơi nắng, tắm biển, lái xe đường dài,.. Cảm giác đau rát như bỏng mắt và suy giảm thị lực là những triệu chứng điển hình ở bệnh này.

2. Mộng thịt (hay còn gọi là “màng mây”): đây là bệnh lí nhãn khoa bán phần trước mà tại đó xảy ra sự gia tăng bất thường của tế bào củng mạc (lòng trắng mắt) tạo nên một khối u thịt hình tam giác và kéo dài đến giác mạc. Ngoài sự mất thẩm mỹ mà mộng thịt đem lại, nó còn gây ra cảm giác cộm xốm, khó chịu và thậm chí là suy giảm thị lực của bệnh nhân.   3. Đục thủy tinh thể (hay còn gọi là “cườm khô”): đây là bệnh lí nhãn khoa bán phần sau mà tại đó thủy tinh thể của mắt người không còn trong suốt gây cản trở đến quá trình ánh sáng truyền đến võng mạc và ảnh hưởng xấu đến thị lực bệnh nhân. 4.Thoái hóa hoàng điểm: đây là bệnh lí nhãn khoa bán phần sau mà tại đó võng mạc bị tổn thương nghiêm trọng và cụ thể là hoàng điểm (điểm vàng) gây nên suy giảm thị lực hoặc/và thị trường rồi từ từ dẫn đến mù.  Ngoài ra, ung thư da mi mắt cũng được cho là liên quan đến tác hại mà tia UV mang lại. III. Lời khuyên đến từ đội ngũ chăm sóc mắt TOP OPTIC

Kỳ thực, mắt người chúng ta đã được tạo hóa ban tặng cho “hàng rào” sinh học tự nhiên (bao gồm giác mạc, đồng tử, thủy tinh thể, võng mạc) nhằm bảo vệ sự xâm phạm của các tia UV một cách an toàn. Tuy nhiên, sự ô nhiễm môi trường cùng lối sống sinh hoạt không lành mạnh của con người và các yếu tố khác đã làm cho lớp “hàng rào” này suy yếu và tạo điều kiện để các tia UV tấn công dẫn đến hàng loạt các vấn đề sức khỏe cho đôi mắt chúng ta.

Ở các quốc gia gần đường xích đạo như Việt Nam, chỉ số UV ngoài trời là rất cao, đôi khi đạt đến mức báo động 11 trở lên vào những ngày nắng nóng. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), chỉ số UV từ 11 trở lên là rất nguy hiểm đối với da và mắt nếu không được bảo vệ.

Mặc dù các tia UV đa số là gây hại cho con người nhưng thật ra chúng cũng có tác dụng giúp chúng ta hấp thụ Vitamin D từ ánh nắng mặt trời hiệu quả nhất và đó cũng là cách tốt nhất để bổ sung Vitamin D cho cơ thể người (hơn cả việc uống thuốc và nạp thực phẩm). Hơn nữa, thể thao cùng sinh hoạt ngoài trời còn được cho là giúp làm giảm quá trình tiến triển cận thị.

Tóm lại, hằng ngày chúng ta đều phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để sinh tồn do đó mà hãy chọn cho mình cách sống chung với các tia UV một cách thông minh. Salenoptic xin đưa ra vài lời khuyên để giúp bạn có thể bảo vệ sức khỏe cơ thể nói chung và sức khỏe đôi mắt nói riêng như sau:

  • Trang bị ngay cho bản thân một cặp kính chống tia UV hữu hiệu và chất lượng
  • Hạn chế ra ngoài trời vào khung giờ khoảng từ 10h sáng đến 14h chiều vì đây là thời điểm tia UV có cường độ cao
  • Mang kính bảo hộ khi làm việc trong môi trường có nhiều nguy cơ chứa tia UV(ví dụ như phòng thí nghiệm, phong lab sinh học, phòng nghiên cứu…)
  • Cẩn thận tìm hiểu tình trạng thời tiết và chỉ số UV để có cách phòng chống hiệu quả (trời râm mát những vẫn ẩn chứa rất nhiều tia UV có hại). Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị tia UV tấn công nên đừng chủ quan nhé!
Nguồn:  Sưu tầm