(Nguồn: tổng hợp)
Tìm Hiểu Về Thị Lực
Bảo vệ trẻ khỏi cận thị học đường
Hiện nay, số lượng học sinh – sinh viên, trẻ nhỏ trong độ tuổi đến trường mắc tật cận thị ngày càng cao, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Các cấp trung học, tiểu học, thậm chí là mầm non đều có trẻ phải đeo kính mắt.
Nhiều phụ huynh vẫn còn chưa rõ ràng về việc chăm sóc và bảo vệ mắt, chưa hiểu phải làm gì để ngăn chặn nguy cơ con bị cận thị học đường. Dưới đây là các biện pháp giúp ngăn ngừa và duy trì độ cận thị ở mức ổn định sẽ là những bí kíp đầu tay chăm sóc mắt cho trẻ nhỏ.
1.Luôn để mắt thư giãn
Các chuyên gia nhãn khoa đã đưa ra lời khuyên không nên để mắt phải làm việc quá 45 phút. Sau mỗi tiết học cần có thời gian để trẻ giải lao, vui chơi. Thời gian tốt nhất để thư giãn mắt là 20 phút cho mắt nghỉ ngơi một lần. Khi trẻ học tập, có thể hướng dẫn các em nghỉ ngơi mắt bằng cách nhìn tán ra xung quanh, nhìn cây xanh, hoặc nhắm mắt 30 giây và chớp mắt cường độ nhanh. Những bài tập này không chỉ giúp mắt trẻ thư giãn, giảm căng thẳng cho mắt, hỗ trợ điều trị cận thị học đường hiệu quả. Đồng thời, hạn chế cho con trẻ xem điện thoại hoặc sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian quá dài.
2. Giữ đúng khoảng cách quy định
Tư thế ngồi học đúng là thẳng lưng, khoảng cách từ mắt tới vở là 25 cm với học sinh nhỏ tuổi và 30–40 cm với học sinh lớn tuổi hơn. Khi xem tivi, cha mẹ nên lưu ý khoảng cách tối thiểu 1m và 60 cm nếu trẻ xem màn hình máy tính. Không tắt đèn khi xem. Việc giữ đúng khoảng cách an toàn giúp mắt được điều tiết phù hợp, không bị quá gần. Việc học tập, xem tivi quá gần mắt sẽ làm độ cận thị tăng nhanh, là nguyên nhân chính của bệnh cận thị ở trẻ em hiện nay.
3. Đảm bảo ánh sáng phù hợp
Tại các lớp học và ở nhà cần được bố trí ánh sáng phù hợp, ưu tiên ánh sáng tự nhiên. Tuyệt đối tránh việc học trong môi trường không đủ sáng hoặc ánh sáng không đều dẫn đến khuất bóng. Việc không đủ ánh sáng cần thiết khiến trẻ không thể nhìn rõ, khiến mắt phải điều tiết liên tục gây nhức, mỏi mắt.
4. Chú ý tư thế ngồi
Tư thế ngồi không đúng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tật khúc xạ học đường. Không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến mắt, ngồi không đúng tư thế còn gây ra nhiều căn bệnh khác như cong vẹo cột sống, gù lưng. Giữ cổ và lưng thẳng sẽ giúp khả năng tập trung cao, tránh mệt mỏi và đẩy lùi nguy cơ gây các bệnh học đường khác.
Khi học bài, trẻ tuyệt đối không nên nằm đọc sách, không đọc sách trên tàu xe…vì những hành động này khiến mắt khó quy tụ và điều tiết, lâu dần khiến mắt dễ mỏi nhức và phát sinh các tật khúc xạ.
5. Bổ sung dinh dưỡng
Một đôi mắt sáng và khỏe mạnh khi được bổ sung dinh dưỡng phù hợp và cân bằng. Các thực phẩm cần thiết cho mắt mà cha mẹ nên bổ sung vào chế độ ăn uống của con cái có thể kể đến: Thịt bò, thịt gà, cá, trứng, trái cây tươi, rau củ màu đỏ… Bổ sung vi chất vitamin A, E, D, chất khoáng… rất có ý nghĩa với đôi mắt cận thị. Trong trường hợp cận nặng nên bổ sung các loại thống uống bổ mắt thông dụng.
6. Chủ động khám mắt định kỳ
Việc khám mắt định kỳ 6 tháng 1 lần là cách nhanh nhất để phát hiện chứng cận thị học đường. Nếu trẻ có những biểu hiện về tật khúc xạ, cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được tư vấn và điều trị phù hợp nhất. Đặc biệt, khi con có dấu hiệu nheo mắt, dụi mắt khi nhìn, cần nhanh chóng đưa con đi kiểm tra thị lực để xác định số kính.
Cận thị rất dễ mắc phải và khó điều trị. Một đôi mắt khỏe có ý nghĩa rất lớn đến cuộc sống và tương lai của trẻ, vì vậy gia đình, nhà trường cần giúp trẻ gìn giữ đôi mắt sáng từ những quan tâm nhỏ nhất. Là bố mẹ, hãy quan tâm đúng cách con em mình!