Vì sao kính loạn thị lại khó thích nghi hơn so với kính cận hoặc viễn thị?

Một trong những tật khúc xạ gây suy giảm thị lực và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của chúng ta chính là loạn thị. Không như cận thị và viễn thị, loạn thị đôi khi làm cho chúng ta cảm thấy khó hiểu bởi tên gọi của nó và thực tế là có rất nhiều quan niệm sai lầm về loạn thị mà bạn có thể chưa được biết đến. Hãy cùng Salenoptic điểm qua một số điều cần lưu ý về loạn thị để được hiểu rõ hơn về loại tật khúc xạ điển hình này nhé:

1) Ý nghĩa của cụm từ “loạn thị”

Loạn thị tiếng Anh là Astigmatism, khi phân tích từ ngữ sẽ thành a/stigma/tism, vốn dĩ được hiểu nguyên gốc theo nghĩa đen là hiện tượng không nhìn rõ chấm tròn hay một điểm trong không gian. Điều này có thể được hiểu đơn giản như là khi bạn tập trung nhìn vào một chấm tròn nhỏ thì ảnh sẽ không được rõ nét mà trở nên rất nhòe (xem hình 1).

Hình 1. Chấm tròn nhỏ màu đỏ nhìn qua mắt bình thường (bên trái ngoài cùng) và khi nhìn qua mắt loạn thị

Đó là lí do mà những bệnh nhân với độ loạn cao không được chỉnh kính sẽ cảm thấy thị lực bị ảnh hưởng một cách khó chịu hơn so với những bệnh nhân chỉ mắc phải cận thị hoặc viễn thị đơn thuần.

2) Nguyên nhân chính gây ra loạn thị là gì?

Nguyên nhân gây ra loạn thị được hiểu cơ bản là đến từ các mặt khúc xạ của mắt người gồm có giác mạc và thủy tinh thể. Các công suất không bằng nhau của các kinh tuyến ở mặt trước và mặt sau của giác mạc hay thủy tinh thể làm cho ánh sáng truyền qua đồng tử không thể hội tụ thành một điểm đơn trên võng mạc giống như mắt của người chính thị mà lại tạo thành nhiều điểm cách nhau một khoảng đã định (xem hình 2). Sự khác biệt ở các mặt khúc xạ này có thể là do các hình dạng khác nhau của giác mạc và thủy tinh thể. Trên thực tế, gần như rất hiếm trường hợp giác mạc có hình cầu hoàn hảo và vì vậy mà hầu hết tất cả chúng ta đều có loạn thị. Tuy nhiên, may mắn thay là độ loạn thị sinh lý này thường tương đối nhỏ ở đa số mọi người và không ảnh hưởng nhiều đến thị lực. 

Hình 2. Mô phỏng loạn thị cơ bản

3) Độ loạn thị như thế nào thì cần thiết phải chỉnh kính? Loạn thị có thể chữa được không? Người bị loạn thị có thể bị cận thị hay viễn thị không?

Thông thường thì độ loạn thị có công suất từ -0.25D trở lên sẽ cần phải được chỉnh kính để cải thiện thị lực.

Cũng như các tật khúc xạ khác, chúng ta chỉ có thể điều trị loạn thị chứ không thể chữa hết được. Các phương pháp phổ biến hiện nay dùng để điều trị loạn thị nhằm tăng thị lực tối đa bao gồm như đeo kính gọng, kính áp tròng loạn thị (toric contact lens), kính orthoK, phẫu thuật khúc xạ và phẫu thuật đặt thấu kính nội nhãn.

Người bị loạn thị hoàn toàn có thể bị cận thị hoặc viễn thị kèm theo, các trường hợp có thể kể đến như loạn cận kép, loạn viễn kép và loạn thị hỗn hợp.

4) Tại sao khi đeo kính loạn thị lại khó thích nghi hơn so với việc đeo kính cận thị hoặc viễn thị? Liệu có cách nào cải thiện được tình trạng như vậy không?

Sự bất tiện này là do hiện tưởng méo ảnh (distortion) bởi kính gọng loạn thị gây ra. Không giống như tròng kính cầu đơn thuần, tròng kính loạn thị có các kinh tuyến gồm các công suất khác nhau trải trên mặt kính. Khi ánh sáng từ môi trường bên ngoài khúc xạ qua kính loạn thị và đi vào mắt bệnh nhân sẽ tạo nên sự méo ảnh và dẫn đến hiện tượng bệnh nhân cảm thấy mặt đất lồi/lõm hoặc sàn nhà cao/thấp khác thường (tham khảo hình 3). Điều này có thể được cải thiện nếu chúng ta sử dụng tròng kính trụ trừ (đa phần đã được áp dụng vào công nghệ đánh tròng ở các phòng lab hiện nay) và giảm thiểu khoảng cách đỉnh sau (tức khoảng cách từ mặt trước giác mạc đến mặt sau tròng kính – back vertex distance). Hơn nữa, cùng với kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, các chuyên gia hành nghề chăm sóc mắt sẽ có những chỉ định cụ thể cho từng toa kính và giúp cho bệnh nhân loạn thị đạt được cảm giác dễ chịu nhất với phương pháp điều trị thích hợp của mình.

Hình 3. Hình bên trái ngoài cùng mô tả thị lực bình thường. Hình ở giữa mô tả thị lực ở người loạn thị chưa chỉnh kính. Hình bên phải ngoài cùng mô tả thị lực của người loạn thị đã được chỉnh kính.

5) Làm sao để biết bản thân có bị loạn thị hay không? Số liệu nào trên toa kính có thể cho biết được loạn thị?

Rất nhiều bệnh nhân có thể dễ dàng hiểu được ý nghĩa của toa kính nếu thông số ở đó chỉ bao gồm đơn giản mỗi độ cầu cận hoặc độ cầu viễn. Ví dụ như bạn có thể nghe nói đến cận -5.00 độ và viễn +2.00 độ. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân lại gặp khó khăn khi không biết đâu là độ loạn trên đơn kính của mình. Nhìn chung, theo qui ước của hầu hết các trung tâm kính thuốc và phòng khám chuyên khoa mắt hiện này đều dùng dấu “-” (trừ) để biểu hiện cho độ cận và độ loạn, còn dấu “+” (cộng) để biểu hiện cho độ viễn và độ lão, đồng thời sử dụng đơn vị là dioptre (viết tắt là D) để thể hiện công suất của kính. Đặc biệt hơn, đối với những bệnh nhân loạn thị chúng ta sẽ cần phải để ý thêm một thông số nữa đó là trục loạn thị chẳng hạn như -3.00/-1.50X180 nghĩa là cận -3.00 độ, loạn -1.50 độ với trục 180 hoặc +0.50/-0.75X090 nghĩa là viễn +0.50 độ, loạn -0.75 độ với trục 90. Bên cạnh đó, nếu bạn cảm thấy còn khó khăn trong việc đọc hiểu toa kính của mình, bạn hoàn toàn có thể liên hệ những chuyên gia trong lĩnh vực đo mắt để có được câu trả lời chính xác và an toàn cho riêng cá nhân mình nhé.

Như vậy là TOP OPTIC đã giúp bạn giải đáp cũng như cung cấp những thông tin hữu ích về loạn thị nhằm xua tan đi phần nào đó nỗi âu lo và những sự nhầm lẫn thiếu sót của loại tật khúc xạ “rắc rối” này gây ra. Nếu bạn còn những vấn đề nào vẫn đang thắc mắc hay cần hỗ trợ thêm về khúc xạ kính thuốc, hãy nhanh chóng ghé đến TOP OPTIC để nhận được sự tư vấn toàn diện nhất nhé.

Nguồn: Sưu tầm