ĐEO KÍNH KHÔNG PHÙ HỢP NHẦM TƯỞNG VỚI BỆNH LÝ RỐI LOẠN TIỀN ĐÌNH

Ngày nay, tình trạng cận thị ngày càng trẻ hóa, tỷ lệ cận thị học đường ngày càng gia tăng thì chiếc kính sẽ là vật bất ly thân. Chọn mắt kính phù hợp giúp đôi mắt khỏe mạnh, ngược lại đeo kính không đúng sẽ mang đến những tác hại cho mắt và ảnh hưởng đến thị lực và sức khỏe. Vậy, khi đeo kính cần lưu ý những gì? Dấu hiệu khi kính đeo không phù hợp và tác hại của nó như thế nào? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu. Những dấu hiệu khi đeo kính không phù hợp:
  • Nhức đầu thậm chí chóng mặt, mất thăng bằng là những dấu hiệu dễ gặp phải khi: độ của kính không đúng, khoảng cách đồng tử sai hoặc độ quang sai của tròng kính hoặc kính thiếu chất lượng…
  • Nhìn mờ: do gọng quá chật, độ loạn không đúng trục…
  • Khó chịu về thị giác: có thể do khoảng cách hai đồng tử không đúng, độ cong đáy kính mới khác với kích thước kính đã đeo hoặc gọng kính không thích hợp (quá nặng hoặc quá nhỏ).
  • Nhìn hai hình: do đeo lăng kính không đúng độ hay độ cận quá cao, cần đổi kính.
  • Méo hình: do dùng mắt kính kém chất lượng hoặc độ loạn và gọng không đúng.
  • Khi đọc, phải để sách quá gần hay quá xa: do kính quá độ, thiếu độ.
Tuy nhiên, một số người thường phớt lờ những dấu hiệu trên vì nhầm tưởng với các triệu chứng của bệnh lý rối loạn tiền đình. Cần làm gì để khắc phục những tác hại của việc đeo kính không phù hợp? Khi có các dấu hiệu đeo kính không phù hợp như: nhức đầu, chóng mặt, nhìn mờ, nhìn 2 hình hoặc méo hình thì người bệnh cần đến bác sỹ chuyên khoa để kiểm tra lại thị lực, xem kính có lắp sai không, kính có đúng tâm không, càng kính có quá dài hoặc quá ngắn để bảo vệ sức khỏe và thị lực cho đôi mắt. Tránh tình trạng tự ý mua thuốc để làm giảm hoặc điều trị bệnh lý rối loạn tiền đình vì nhầm lẫn về triệu chứng. Ngoài ra, để hạn chế tối đa việc đeo kính không phù hợp, chúng ta nên tới các cửa hàng Mắt kính uy tín để được kiểm tra thị lực và tư vấn tròng kính, gọng kính phù hợp với nhu cầu của từng người.