CẬN THỊ VÀ NHỮNG BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM

Cận thị là tật khúc xạ khá phổ biến hiện nay. Theo ước tính từ Viện Nhãn khoa Mỹ đến năm 2050 tỷ lệ bị cận trên toàn cầu là 9,8%. Cận thị độ nhẹ thường không gây nguy hại đến sức khỏe. Tuy nhiên khi độ cận quá cao về lâu dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho mắt. Vậy các biến chứng đó là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé.

Cận thị độ cao gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

1.Khi nào gọi là cận thị nặng?

Tình trạng cận thị nặng hay nhẹ được xác định dựa vào độ cận thị (Diop). Diop hiểu đơn giản là độ cong của thấu kính được dùng để giúp mắt nhìn thấy hình ảnh một cách bình thường. Diop càng cao thì độ cận càng cao. 

Kí hiệu thể hiện độ cận là –D (+D là kí hiệu thể hiện độ viễn). Ví dụ: -1D, -2D tương đương độ cận là 1 độ, 2 độ. Cận thị được chia thành 3 mức độ:

  • Cận nhẹ: độ cận dưới 3 Diop
  • Cận trung bình: độ cận từ 3 – 6 Diop
  • Cận nặng: trên 6 Diop

Độ cận trên 6 độ được xem là cận thị nặng

Đa phần độ cận thường ổn định từ sau 18 tuổi. Tuy nhiên không ít trường hợp độ cận có thể tăng dần, chuyển từ mức cận nhẹ sang nặng. Người có độ cận nặng không chỉ suy giảm thị lực mà còn gặp nhiều biến chứng về mắt nguy hiểm.

 2. Các biến chứng về mắt thường gặp khi cận thị nặng

  • Nhược thị

Đây là tình trạng thị lực suy giảm do não bộ không nhận biết được hoàn toàn hình ảnh từ mắt truyền đến. Khi mắt bị cận thị nặng, điều tiết quá nhiều dẫn đến võng mạc không kích thích, không thể truyền tín hiệu hình ảnh một cách rõ nét. Về lâu dài, não bộ sẽ dần bỏ qua hình ảnh được truyền từ mắt yếu hơn dẫn đến thị lực suy giảm vĩnh viễn.

Nhược thị là tình trạng mắt không nhận biết được hình ảnh ở 1 hoặc cả 2 bên mắt

Những dấu hiệu nhận biết nhược thị:

  • Người cận khó khăn khi quan sát hình ảnh ở gần hoặc xa (không nhận định được hình ảnh)
  • Người cận thường nheo, nghiêng đầu hoặc nhắm một mắt khi nhìn

Nhược thị phát hiện quá muộn sẽ làm suy giảm thị lực vĩnh viễn. Vì lúc này các liên kết trong hệ thống thị giác đã không còn hình thành đúng cách. Đối với trẻ em bị nhược thị phát hiện trước 12 tuổi sẽ dễ điều trị phục hồi hơn. Sau độ tuổi này mắt đã phát triển ổn định nên rất khó phục hồi thị lực 10/10.

  • Lác mắt

Lác hay lé mắt là tình trạng đồng tử không cân đối. Một trong 2 bên hoặc cả 2 đồng tử bị lệch khỏi trục nhãn cầu. Người cận nặng do sự phối hợp cơ mắt quy tụ kém nên có thể bị lác ngoài hoặc lác luân phiên. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực mà còn mất thẩm mỹ. Trường hợp lác nhẹ có thể dùng kính để điều chỉnh. Tuy nhiên nếu lác nặng cần phẫu thuật để phục hồi.

  • Glocom góc mở

Glocom là tình trạng bệnh do sự teo mỏng lớp sợi thần kinh võng mạc. Với người cận thị độ cao, trục nhãn cầu dài kéo căng các lớp sợi thần kinh thị giác. Về lâu dài, lớp sợi liên kết này trở nên mỏng và yếu dần. Khi đó tầm nhìn bị thu hẹp vào trung tâm, hình ảnh ở xung quanh và các góc trở nên mờ dần hoặc mất hẳn. Đây chính là biểu hiện của bệnh Glocom góc mở.

Glocom góc mở diễn biến âm thầm và rất khó phục hồi

Bệnh thường tiến triển khá âm thầm, khi được phát hiện đã chuyển sang giai đoạn nặng. Sự tổn thương ở lớp sợi thần kinh do Glocom là không thể phục hồi. Điều này dẫn đến thị lực bị ảnh hưởng vĩnh viễn. 

  • Bong võng mạc

Bong võng mạc là tình trạng bệnh lý nhãn khoa nguy hiểm. Có nhiều nguyên nhân gây bong võng mạc. Với người cận thị độ cao, nhãn cầu có xu hướng lồi ra, kéo cong võng mạc. Theo đó vùng chu biên võng mạc mỏng đi và thoái hóa dần.

Tình trạng này kéo dài làm mất sự kết dính của các tế bào thần kinh, dẫn đến rách võng mạc. Khi võng mạc bị bong rách, lớp dịch kính tràn qua phía sau gây bong võng mạc hoặc xuất huyết dịch kính. Bong võng mạc không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng mù vĩnh viễn.

  • Cách phòng ngừa các biến chứng do cận thị nặng

Cận thị độ cao không nguy hiểm nhưng biến chứng gây ra lại rất nguy hiểm. Đa phần biến chứng do cận thị nặng diễn tiến khá âm thầm. Cách phòng ngừa tốt nhất là sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường. Theo đó người cận thị độ cao cần:

  • Định kỳ kiểm tra độ khúc xạ mắt 6 tháng/lần và điều chỉnh kính phù hợp
  • Định kỳ thăm khám đáy mắt để sớm phát hiện dấu hiệu bất thường.
  • Nhanh chóng đến các cơ sở chuyên khoa mắt để kiểm tra khi có những dấu hiệu như sau: nhìn mờ, hiện tượng ruồi bay, chớp sáng, chỉ nhìn thấy hình ảnh ở khu trung tâm mắt ,….

Đôi mắt không chỉ giúp chúng ta quan sát và nhìn ngắm sự vật, mà còn là trung tâm biểu hiện cảm xúc, tâm tình. Một đôi mắt khỏe và sáng sẽ giúp chúng ta luôn có cái nhìn tươi đẹp về cuộc sống. Vì thế bạn cùng Top Optic cùng chăm sóc và bảo vệ mắt mỗi ngày nhé.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *